Sự phân phái ở Ấn Độ. Các tông phái Phật giáo

Các phái bộ trong Đại chúng bộ

Đại chúng bộ có trung tâm hoạt động tại Amgotara, thuộc vùng Trung Ấn. Đại chúng bộ vốn có hệ tư tưởng cấp tiến nên đã xảy ra việc phân hoá trước. Các cuộc phân hoá này tất cả đều tách ra từ Đại chúng bộ và hình thành tổng cộng thành 9 bộ phái trong đó quan trọng về mặt lý luận bao gồm:

  • Nhất Thuyết bộ (Ekavyavahàrikah) cho rằng mọi sự vật, hiện tương đều là giả không có thực tính.
  • Thuyết Xuất Thế bộ, hay Chế Đa Sơn bộ, (Lokuttaravàdinàh) quan niệm sự vật, hiện tượng là do vọng tưởng mà ra, từ đó sinh phiền não, phiền não tạo nghiệp, do nghiệp mới có quả báo. Do đó, các sự vật, hiện tượng đều là hư vọng. Bộ phái này thừa nhận các sự vật, hiện tượng là thật có.
  • Kê Dận bộ (Kankkutikàh) cho rằng Kinh tạngLuật tạng là giáo lý do Đức Phật thuyết tùy căn cơ và hoàn cảnh, chỉ có Luận tạng mới là giáo lý chân thật vì nó giải thích ý nghĩa của Kinh và Luật.
  • Đa Văn bộ (Bàhusrutiyàh), do Yajnavalkya cổ xuý, cho rằng chỉ có ngũ uẩn (vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết Bàn) và Bát chánh đạo mới là pháp xuất thế; những lời dạy khác của Thích Ca là thế gian pháp.
  • Thuyết Giả bộ (Prajnàptivadinàh), do Mahakatyayana chủ xướng, phân biệt giáo lý thành nhiều cấp độ: giả lập, chân thật, có ý nghĩa tương đối, ý nghĩa tuyệt đối; các sự vật, hiện tượng và xuất thế gian đều có một phần là giả thuyết.

Các bộ phái khác là Chế Đa Sơn bộ (Caityasailàh), Tây Sơn Trú bộ (Aparasailàh) và Bắc Sơn Trú bộ (Uttarasailàh).

Các phái bộ trong Thượng tọa bộ

Sự thay đổi về điều kiện xã hội và địa lý và sự phân hoá trong Đại Chúng bộ có thể là nguyên nhân gây ra sự chia phái của Thượng tọa bộ thành tổng cộng hơn 10 bộ. Các phái có sự chuyển hoá về lý luận bao gồm:

  • Nhất thiết hữu bộ (Saivàstivàdàh), hay Thuyết nhất thiết hữu bộ, Thuyết nhân bộ (Hetuvàdàh), đề cao Luận tạng và cho rằng tất cả các pháp đều là thực hữu. Sarva là tất cả (nhất thiết), asti là hữu, vādah là thuyết
    Từ khi phân phái Thượng tọa bộ yếu thế hơn, chuyển căn cứ đến Kashmir (Tuyết Sơn) đổi tên thành Tuyết Sơn bộ (Haimavàtàh).
  • Độc Tử bộ (Vatsipatriyàli) tách ra từ Nhất Thiết Hữu bộ. Bộ này vẫn đề cao Luận tạng, nhưng điểm khác biệt là chỉ dựa vào Pháp uẩn túc luận (tương truyền do ngài Xá-lợi-phất (Sariputra) soạn).
    Sau đó, Độc Tử bộ phân hóa và thành bốn bộ phái là Pháp Thượng bộ (Dharmottariyàh), Hiền Trú bộ (Dhadrayàniyàh), Chánh Lượng bộ (Sammitiyàh) và Mật Lâm Sơn bộ (Sandagirikàh).
  • Hóa Địa bộ (Mahìsarakàh). Hình thành từ Nhất Thiết Hữu bộ, sau khi Phật nhật tịch khoảng 300 năm, và do sư Hóa Địa, nguyên là một bà-la-môn thông thạo Vệ Đà, chủ xướng. Ông thường vận dụng hiểu biết của mình để giảng giải kinh Phật.
  • Pháp Tạng bộ (Dharmaguptakàh), do Pháp Tạng chủ xướng. Pháp Tạng (Dharmagupta) là đệ tử của Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallàna). Pháp Tạng đã kết tập những lời giảng của thầy và lập thành bộ phái mới, tách ra từ Hoá Địa bộ, chia giáo lý thành năm tạng là Kinh, Luật, Luận, Chú và Bồ tát tạng.
  • Ẩm Quang bộ (Kàsyapiyàh), do sư Ẩm Quang (Kàsyapa) tách ra từ Nhất Thiết Hữu bộ, cho rằng những lời Phật dạy gồm hai dạng: một nhằm đối trị phiền não, và còn lại là để chỉ ra những bất ổn của các học thuyết ngoại đạo.

Ngoài ra, lần phân hoá cuối cùng của Nhất Thiết Hữu bộ cũng tạo ra Kinh lượng bộ (Sautràntikàh), hay còn gọi là Thuyết Chuyển bộ (Samkràntivàdàh), xem Kinh tạng mới là giáo lý quan trọng nhất.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các tông phái Phật giáo http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/to-015-tra... http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/055-tutuon... http://chuyenphapluan.com/details.asp?filename=thi... http://www.quangduc.com/coban/25phpt05-6.html http://www.quangduc.com/coban/9kienthuc.html http://www.quangduc.com/lichsu/72bophai01.html http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-lichsupg/lspg... http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-phathoc-coban... http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-thien_ng/00.h... http://cusi.free.fr/lsp/lsp0060.htm